Những việc cần làm khi đến Pháp

Đăng ngày 20/12/2016.



Khi đến Pháp, bạn bước vào một cuộc sống mới, tất cả những thói quen hay phương tiện dịch vụ mà bạn sử dụng hang ngày đều cần phải làm mới. Ngoài ra, bạn cũng phải đối mặt với hàng tá thủ tục hành chính cần làm để có thể có một cuộc sống bình thường và hợp pháp.


Việc cần làm rất nhiều, và tất cả đều quan trọng. Bạn có thể thực hiện mọi việc một cách ngẫu nhiên, không theo thứ tự. Nhưng do tính chất và thời hạn của mỗi thủ tục khác nhau, mình thích sắp xếp chúng theo thứ tự, mà theo mình, sẽ đảm bảo việc quản lý thời gian của những sinh viên lần đầu đến Pháp.


Những việc cần làm được sắp theo thứ tự:

  1. Đăng ký vào trường
  2. Làm thẻ ngân hàng, thẻ đi lại
  3. Nộp hồ sơ OFII
  4. Carte vitale và numero de la sécurtité sociale
  5. Mutuelle

1. Đăng ký vào trường

Trong đa số các trường hợp, để được cấp visa sinh viên, các bạn phải có giấy chững nhận đã đóng học phí và Certificat de scolarité.


Đối với một số trường hợp du học bằng học bổng, các bạn chỉ cần giấy chứng nhận Pre-admission của trường và giấy chứng nhận học bổng, các bạn đã xin được visa. Với giấy Pre-admission, bạn chưa thật sự trở thành sinh viên của trường, mà phải cần đăng ký chính thức. Bạn cần đăng ký nhập học, tức thủ tục Inscription, đóng học phí (tùy trường hợp) và được cấp Certificat de scolarité.

Bạn cũng cần làm thẻ sinh viên. Certificat de scolarité và thẻ sinh viên sẽ cần thiết cho các bạn khi sử dụng tất cả các loại dịch vụ với giá ưu đãi dành cho sinh viên, từ thẻ bus, thẻ ngân hàng, xin trợ cấp xã hội (CAF), giảm giá vé thăm bảo tàng,…


Thẻ sinh viên thì bạn có thể làm ngay sau khi đăng ký. Certificat de scolarité thì bạn thường phải đợi 1-2 tuần để được gửi về nhà bạn.


Chú ý : Các bạn có thể đóng học phí bằng tiền mặt.


2. Mở tài khoản ngân hàng ở Pháp

Đây là giấy tờ quan trọng và cần thiết cho tất cả các dịch vụ đời sống và thủ tục hành chính bạn sẽ thực hiện tiếp theo. Bạn có thể mở tài khoản ngân hàng trước hoặc sau khi đăng ký trường, nhưng nhất định phải làm trong ngày đầu đến Pháp.


Các ngân hàng cũng có chính sách ưu đãi cho sinh viên, nên mình khuyên các bạn đến ngân hàng làm sau khi đăng ký trường và đem theo Certificat de scolarité hoặc thẻ sinh viên khi đăng ký để được hưởng quyền lợi. Tùy ngân hàng, mức phí này có thể từ 50€ đến 200€ một năm, nên bạn cũng sẽ giảm được một khoản phí đáng kể trong ngân sách của mình nếu biết tận dụng thẻ sinh viên.


3. Thẻ đi lại

Ở Pháp, mọi người di chuyển chủ yếu bằng giao thông công cộng. Hệ thống xe bus, tramway, metro rất phát triển và tiện lợi, vì chính quyền các thành phố đầu tư rát nhiều cho giao thông công cộng, nhằm giảm mức độ ô nhiễm môi trường. Những người ít sử dụng giao thông công cộng thường mua vé lẻ (ticket) dùng 1 lần, có giá từ 1.3€ tùy thành phố. Những người sử dụng thường xuyên thì đăng ký mua thẻ tháng, mỗi tháng từ 30&euros; đến 70€ tùy đối tượng và tùy thành phố.


Mỗi thành phố có 1 hệ thống phương tiện công cộng riêng, như : RATP ở Paris, TCL ở Lyon, RTM ở Marseilles, TBM, Tisseo ở Toulouse, Tag ở Grenobles,...


Các bạn tìm hiểu hệ thống giao thông công cộng ở thành phố nơi mình sống, đến agence đăng ký hoặc online (tùy hệ thống). Các thành phố nói chung đều có ưu đãi giảm giá cho sinh viên, các bạn nên đem theo Certificat de scolarité hoặc thẻ sinh viên khi đăng ký để được hưởng quyền lợi.


Nơi làm thẻ ngân hàng và thẻ đi lại thường gần nhau nên các bạn có thể tranh thủ đi 1 lần làm được nhiều việc.


4. Nộp hồ sơ OFII

Thủ tục xin giấy chứng nhận OFII phải được thực hiện trong vòng 3 tháng đầu sau khi đến Pháp. Nhưng khuyên các bạn nên nộp hồ sơ sớm nhất có thể, vì đặc điểm hành chính Pháp là thời gian chờ đợi rất lâu.


Sau khi nộp hồ sơ, bạn sẽ đợi OFII gửi convocation về tới nhà. Theo convocation này, bạn sẽ đi đến trình diện tại OFII, khám sức khỏe tại chỗ. Khi thủ tục hoàn tất, bạn sẽ được dán 1 vignette vào passport. Như vậy visa của bạn mới có đầy đủ hiệu lực, bạn mới có thể tự do đi lại trong khu vực Schengen. Trước khi có vignette này, bạn không thể đi ra khỏi nước Pháp, nên đừng vội đặt vé máy bay đi du lịch trong giai đoạn này.


Thủ tục OFII mất từ 3-6 tháng, sẽ hơi bó buộc nhưng phải kiên nhẫn và chấp nhận.


Để biết thêm thông tin, các bạn xem tại đây.


5. Carte vitale và số bảo hiểm xã hội (numéro de sécurtité sociale)

Thủ tục này quan trọng ngang với thủ tục xin OFII và thẻ cư trú (titre de séjour), nhưng ít nhận được sự quan tâm của nhiều người. Ở Pháp, mỗi đứa trẻ ngày từ khi sinh ra đều được cấp 1 numéro de sécurtité sociale. Số này sẽ theo suốt cuộc đời 1 người, dùng vào các thủ tục khám chữa bệnh, trợ cấp xã hội, bảo hiểm lao động, nghỉ hưu, quản lý thuế,…


Là người sinh ra ở nước ngoài, bạn phải đăng ký để được cấp số bảo hiểm xã hội này.


  • Nếu là sinh viên : Khi bạn đóng học phí, bạn đã đóng luôn tiền bảo hiểm y tế phần sécurtité sociale. Lúc đó, bạn sẽ có số bảo hiểm tạm thời (numéro de sécurtité sociale provisoire). Vấn đề còn lại là bạn chờ bên phía bảo hiểm gửi giấy về nhà bạn, yêu cầu bạn điền thông tin để cấp số bảo hiểm xã hội chính thức (numéro de sécurtité sociale définitif) và Carte vitale cho bạn.
  • Nếu bạn là Nghiên cứu sinh có contrat doctoral : Bạn sẽ phải làm thủ tục Immatriculation à la sécurtité sociale. Bạn có thể lên mạng tải về mẫu cerfa xin Immatriculation à la sécurtité sociale hoặc đến xin ở CPAM. Bạn sẽ cần chữ ký của trường, giấy DEU của Urssaf, phiếu lương của tháng đầu tiên… Nên bạn phải đợi khoảng 1-2 tháng sau khi đến Pháp để làm hồ sơ này, và đợi ít nhất 3-4 tháng nữa để bạn có được Carte vitale và số bảo hiểm xã hội chính thức.

6. Mutuelle

Bạn có sécurtité sociale, bạn sẽ được bảo hiểm này chi trả từ 30% đến 100% chi phí khám chữa bệnh cho bạn (tùy dịch vụ). Nếu bạn có nhu cầu chăm sóc sức khỏe cao, bạn nên mua thêm bảo hiểm y tế tư nhân, còn gọi là mutuelle, hay complémentaire santé. Mutuelle sẽ trả phần mà sécurtité sociale không trả. Nhưng tùy vào gói bảo hiểm bạn mua, mà bạn sẽ được thanh toán nhiều hay ít khi sử dụng dịch vụ y tế. Vấn đề này, bạn nên tham khảo ở các công ty bảo hiểm để có thể chọn gói dịch vụ phù hợp với yêu cầu của bạn. Với sinh viên, 2 công ty bảo hiểm cho sinh viên là LMDE và Smerra cung cấp những gói dịch vụ tốt và giá cả phù hợp túi tiền sinh viên. Chi phí cho Mutuelle mỗi năm cho sinh viên từ 100€ đến 700€ tùy vào nhu cầu mỗi người. Đương nhiên, vì là phần phụ của sécurtité sociale, bạn phải có numéro de sécurtité sociale mới có thể sử dụng dịch vụ bảo hiểm này.


Ngoài ra, khi bạn bạn sống hợp pháp ở Pháp từ trên 3 tháng và thu nhập của bạn dưới 721€/tháng, bạn có thể xin cấp CMU, 1 dạng complémentaire santé do chính phủ Pháp cấp cho người thu nhập thấp. Nếu thu nhập tháng của bạn ở giữa 721€ và 973€, bạn có thể xin ACS (L’aide au paiement d’une complémentaire santé). 2 loại trợ cấp này đều có giá trị như Mutuelle, sẽ giúp thanh toán phần chi phí khám chữa bệnh ngoài giới hạn của sécurtité sociale. Thông thường, sinh viên không có học bổng đều có thể xin được CMU hoặc ACS. Điều cần thiết là bạn phải có numéro de sécurtité sociale khi làm thủ tục xin loại hỗ trợ này.




Nếu các bạn có thắc mắc về chủ đề này, các bạn có thể viết thư cho mình tại đây.